top of page
Đăng ký ngay

Đã đăng ký thành công!

lydiamusicacademy

Perfect pitch - cảm âm tuyệt đối là gì? 3 Bài tập giúp cải thiện cao độ.

Đã cập nhật: 16 thg 6, 2022

Cao độ tuyệt đối là khả năng nghe hay hát một nốt nhạc chính xác mà không cần thanh mẫu. Hãy cùng Lydia tìm hiểu xem bạn có khả năng cực hiếm này không nhé.


1. Cao độ tuyệt đối.

Cao độ tuyệt đối, hay tai nghe tuyệt đối, là một khả năng cực kì hiếm có, miêu tả khả năng nghe, hát, xác định một âm thanh ở đúng cao độ của nốt nhạc mà không cần một nốt cho sẵn hay thanh La mẫu. Những người có cao độ tuyệt đối thậm chí còn có thể xác định được nốt nhạc được tạo ra bởi âm thanh của các đồ vật như tiếng chuông, tiếng còi xe.

Hình 1. Thanh La mẫu

Ước tính cứ 10.000 người thì có 1-5 người có cao độ tuyệt đối, trong khi khoảng 100- 1.100 trong số 10.000 nhạc sĩ có khả năng đó. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc có khả năng này bao gồm Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Ella Fitzgerald, Stevie Wonder và Mariah Carey...

Có 2 loại cao độ tuyệt đối: cao độ tuyệt đối chủ động và cao độ tuyệt đối thụ động. Những người có cao độ tuyệt đối chủ động có khả năng thiên phú tự hát một nốt nhạc, ví dụ C4, ở đúng tần số của nốt này mà không cần bất cứ một giai điệu tham chiếu nào. Những người có cao độ tuyệt đối thụ động không thể tự tạo ra cao độ nốt nhạc theo yêu cầu, nhưng họ có khả năng xác định tên nốt nhạc khi nghe nó.


2. Cao độ tương đối.

Cao độ tương đối là khả năng thường gặp ở những nhạc sĩ, nhạc công hoặc ca sĩ chuyên nghiệp. Nó tương tự như cao độ tuyệt đối thụ động, nhưng những người có cao độ tương đối chỉ có thể xác định cao độ của âm thanh dựa trên một cao độ tham chiếu. Solfege (một hệ thống sử dụng các kí tự như Do, Re, Mi... để dạy khả năng nhận biết cao độ và khả năng đọc nốt nhạc theo đúng cao độ trong âm nhạc) giúp những người học nhạc có thể xác định và tạo ra các nốt nhạc cao hơn và thấp hơn một nốt nhạc cho sẵn (cao độ tham chiếu). Môn học này là một môn cực kì quan trọng trong các trường âm nhạc chuyên nghiệp, có tên gọi là Kí - xướng âm.


3. Các yếu tố quyết định trong việc học cao độ tuyệt đối.

Tính tới thời điểm hiện tại, việc có thể dạy được cao độ tuyệt đối hay không vẫn còn là vấn đề tranh cãi giữa các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu âm nhạc. Đối với nhiều người, việc có được cao độ tuyệt đối có thể phụ thuộc một số yếu tố, bao gồm:

  • Tuổi tác: Một số nghiên cứu sơ khai về vấn đề này từng cho rằng cao độ tuyệt đối chỉ có thể phát triển thông quá quá trình đào tạo âm nhạc trong một giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ, người lớn không thể đạt được cao độ tuyệt đối vì họ đã qua giai đoạn phát triển này. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã cho kết quả khác với quan điểm này.

  • Giải phẫu học: Bộ não của người có khả năng cao độ tuyệt đối khác với những người bình thường. Hai bộ phận của vùng vỏ não: vỏ não thính giác (vùng được cho là sẽ xác định cao độ nốt nhạc) và vỏ não trán (vùng hỗ trợ xử lý bản nhạc) của người có cao độ tuyệt đối dày hơn bình thường.

  • Ngôn ngữ: Khả năng cao độ tuyệt đối phổ biến hơn ở các quốc gia có ngôn ngữ thanh điệu (các cao độ khác nhau của một từ cho ý nghĩa khác nhau) như Trung Quốc, Việt Nam. Một nghiên cứu năm 2005 cho thấy 60% học sinh âm nhạc có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Quan Thoại (Mandarin Chinese) và học nhạc từ lúc 4 tuổi có khả năng cao độ tuyệt đối. Cũng trong nghiên cứu này, chỉ có 15% học sinh có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh và có cùng trải nghiệm âm nhạc có khả năng này.

Một nghiên cứu năm 2013 của các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago đã xác định rằng với việc rèn luyện khả năng nghe, người lớn không chỉ có thể học và ghi nhớ các nốt nhạc mà còn có thể xác định chính xác chúng nhiều tháng sau đó. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng sự phát triển của cao độ tuyệt đối phụ thuộc vào cả quá trình đào tạo âm nhạc và trí nhớ thính giác, cũng như sự chú ý có nhận thức.


4. Ba bài tập để cải thiện cao độ.

  • Luyện tập hát các mẫu nguyên cung, nửa cung, quãng 3 trưởng- thứ, quãng 5 đi lên và đi xuống. Lặp lại bài tập này ở nhiều cao độ khác nhau, nhiều quãng tám khác nhau.

Ví dụ: bài tập nguyên cung: đi lên C-D, D-E, E-F#; đi xuống G-F, B-A...

Bài tập quãng 5: đi lên C-G, D-A, E-B... đi xuống C-F, D-G...

  • Sử dụng các nốt tham chiếu (làm chuẩn): Chọn một nốt nhạc làm mục tiêu, sau đó nghe và hát lại nốt đó nhiều lần cho tới khi bạn có thể hát lại chuẩn cao độ nốt nhạc đó mà không cần tiếng đàn. Tập tương tự với những nốt khác.

Ví dụ: chọn nốt C4. Đàn nốt C4 và học thuộc âm thanh đó cho tới khi không cần đàn mà bạn vẫn hát được nốt C4.

  • Học thuộc thang âm (scale): Học thuộc các thang âm là cách dễ nhất để tìm ra các nốt nhạc tương quan trong cùng thang âm đó. Có rất nhiều loại thang âm khác nhau ngoài thang âm 7 nốt, bao gồm thang âm ngũ cung và thang âm blues. Hiểu và xướng được các thang âm sẽ giúp bạn cải thiện cao độ chuẩn xác hơn.

Ví dụ: C-D-E-F-G-A-B-C


Một số bài tập xướng âm


Để tìm hiểu thêm và luyện tập cao độ tương đối bạn hãy nhanh tay đăng kí các khóa học về nhạc lý, xướng âm, thẩm âm ở Lydia Music Academy nhé.

74 lượt xem

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page